1. Môi trường học tập và “văn hóa” của trường
Người ta, khi nói về
chuyện chọn trường, chắc sẽ khuyên bạn về chuyện “học” trước tiên. Quan điểm của
mình hơi khác mọi người một xíu: càng quan trọng về chuyện học, các bạn càng cần
quan tâm đến yếu tố môi trường làm việc của nhà trường. Nếu một ngôi trường nổi
tiếng áp lực và căng thẳng, và bạn không phải là tuýp người làm việc tốt dưới
áp lực, thì bạn không nên chọn ngôi trường ấy dù nó có xếp hạng cao đến đâu.
MIT là ngôi trường yêu
thích của mình khi nộp đơn vào đại học. Sau khi được nhận, mình có cơ hội đến
thăm MIT và được chứng kiến một môi trường sống rất hấp dẫn: ai nấy cũng khá “độc
đáo” và rất đam mê việc mình làm. Các anh chị cho mình ăn kem đông lạnh bằng
Nitơ lỏng, dạy cách xây nhà, cách đập nhà, vân vân. Thế nhưng, mình cũng chứng
kiến một anh học sinh làm bài tập liền tù tì không ngủ trong vòng 36 tiếng đồng
hồ, cũng như nhiều anh chị năm cuối nói “muốn tốt nghiệp MIT càng nhanh càng tốt.”
Ngược lại, khi đến ĐH
Princeton, mình chứng kiến một môi trường vui vẻ, tự nhiên hơn. Princeton thiếu
những điều độc đáo của MIT, nhưng mình lại thích cách học sinh ngồi quây quần với
nhau nghe một buổi nhạc rock ngoài trời, rồi cách nhiều học sinh “học về ngày,
hát a cappella về đêm” vân vân. Rồi mình lại có cảm giác mình sẽ hợp với cái
môi trường nhẹ nhàng đó hơn.
Điều may mắn là, thông
thường, khi bạn đã được trường nào nhận nghĩa là nhà trường tin rằng bạn sẽ đủ
sức kham nổi cuộc sống và học tập ở trường đó. Ngoài ra, việc thích môi trường
nào phụ thuộc nhiều vào sở thích riêng của mỗi người. Tuy nhiên, điều quan trọng
là các bạn hãy tự hỏi, “học ở đâu sẽ làm mình vui vẻ nhất trong 4 năm đại học?”.
2. Trường đại học hay trường cao học?
Hầu hết các trường ĐH
Mỹ đào tạo song song hệ đại học và cao học. Có nhiều trường xếp hạng cao hơn vì
có nhiều khoa tốt, nhưng họ lại dành nhiều tập trung và ưu đãi vào nghiên cứu
và đào tạo hệ thạc sĩ, tiến sĩ hơn là sinh viên đại học. Ngược lại, có nhiều
trường khác nổi tiếng về ưu ái cho sinh viên đại học nhiều hơn.
Chẳng hạn như, nội
trong khối Ivy League, ĐH Princeton và ĐH Dartmouth nổi tiếng là những trường
“tốt với sinh viên,” vì họ phân bổ nhiều giáo sư nổi tiếng giỏi dạy các lớp
sinh viên thay vì các lớp cao học. Họ cũng có nhiều nguồn tiền để giúp sinh
viên nghiên cứu và làm nhiều dự án ở nhiều nước khác nhau, trong khi chính sách
đối với các nghiên cứu sinh có thể eo hẹp hơn.
Khi mình nói chuyện với
giáo sư Gregory Mankiw, một nhà kinh tế học nổi tiếng của ĐH Harvard và cũng là
cựu sinh viên của ĐH Princeton, ông nói thẳng ngay: “Tất cả chúng ta đều phải đồng
ý là Princeton là một trường thiên vị tụi sinh viên đại học hơn hẳn! Bằng chứng
là học sinh cao học bị xếp vào ở một khu cách xa trường cả vài cây số!”
3. Thứ hạng
Mình không phải là fan
của việc đánh giá một trường qua thứ hạng, nhưng các nhà tuyển dụng hay mối làm
ăn sau này của bạn sẽ đánh giá bạn qua thứ hạng của ngôi trường bạn học! Không
phải ngẫu nhiên mà ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump luôn cố khoe rằng ông
từng học ở trường Wharton – một trường kinh doanh nổi tiếng.
Một ví dụ nữa là khi
mình và một nhóm 14 bạn khác muốn nghiên cứu về khủng hoảng kinh tế ở Florida,
chúng mình chỉ đã viết thư cho chính quyền thành phố và bang, và được tiếp đãi
rất chu đáo, thậm chí ăn trưa với thị trưởng các thành phố. Một lần nữa – mình
không thích cách người ta đánh giá mọi thứ qua thứ hạng hay cái tên – nhưng một
sự thật không thể phủ nhận là cái tên trường sẽ tạo nhiều thuận lợi cho công việc
của bạn sau này.
EmoticonEmoticon